Nghiên cứu - Trao đổi
Thứ Tư, 20/9/2017 11:23'(GMT+7)

Xây dựng và phát triển Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và điều tra tội phạm thành Viện Nghiên cứu Tội phạm học và điều tra tội phạm đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay

Đại tá PGS, TS. Trần Nguyên Quân - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Cảnh sát, Học viện CSND

Đại tá PGS, TS. Trần Nguyên Quân - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Cảnh sát, Học viện CSND

1. Hiện nay, hội nhập quốc tế và khu vực là xu thế tất yếu khách quan của tất cả các quốc gia trên thế giới. Quá trình hội nhập trên nhiều phương diện đã đem lại những lợi ích to lớn, tạo ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho nước ta trên con đường thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, một trong những thách thức không nhỏ được đặt ra trong tiến trình hội nhập là vấn đề bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Đây được coi là điều kiện tiên quyết để Việt Nam có thể hợp tác toàn diện và phát triển bền vững.

Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đã khẳng định: “Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững chủ quyền biển đảo, biên giới, vùng trời; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống”. Tiếp tục những nội dung chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư Trung ương về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới” ngày 22/6/2015 Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Chỉ thị số 46-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới”. Như vậy, phòng, chống tội phạm là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, lâu dài được Đảng quan tâm đồng thời là nhiệm vụ đặt ra đối với cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng Công an được xác định là lực lượng chuyên trách, giữ vai trò nòng cốt [2].

2. Thực tiễn hiện nay cũng cho thấy, tình hình tội phạm ở nước ta mặc dù đã được kiềm chế song vẫn có nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa sự ổn định chung, cản trở sự phát triển về kinh tế xã hội nhất là các tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có tổ chức và những phương thức, thủ đoạn mới của các loại tội phạm. Điều này đặt ra đòi hỏi, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác đấu tranh, xử lý tội phạm cần nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, hoàn thiện lý luận nhằm xây dựng những luận cứ khoa học cho việc đưa ra các giải pháp phòng ngừa tội phạm. Trên cơ sở xác định những đặc điểm có tính quy luật của tình hình tội phạm, phân tích làm rõ những nguyên nhân điều kiện làm phát sinh, phát triển tình hình tội phạm, tổng kết, đánh giá thực tiễn đấu tranh, phòng ngừa tội phạm có thể góp phần hạn chế tối đa hậu quả, tác hại do tình hình tội phạm gây ra. Đứng trước yêu cầu của công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm với mong muốn xây dựng một đơn vị nghiên cứu chuyên sâu về tội phạm học thuộc Học viện Cảnh sát nhân dân - Cơ sở nghiên cứu khoa học đầu ngành của lực lượng Công an. Theo đó,Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và Điều tra tội phạm (tiền thân là Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm) được thành lập ngày 25/12/2006 theo Quyết định số 2007/2006/QĐ-BCA của Bộ trưởng Bộ Công an Quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Học viện Cảnh sát nhân dân và Quyết định số 1593/2007/QĐ-X11(X12) Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân Quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm. Ngay từ ngày đầu thành lập Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương ban hành Chỉ thị số 02-CT/ĐUCA-V19 ngày 18/8/2009, về tăng cường công tác cải cách tư pháp trong Công an nhân dân, tại đoạn b, điểm 2, mục II nhấn mạnh“Nghiên cứu, xây dựng Trung tâm nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm thành Trung tâm lớn nghiên cứu về tội phạm và đấu tranh phòng, chống tội phạm phục vụ có hiệu quả công tác bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội của lực lượng Công an nhân dân trong tình hình mới”.

Dưới sự chỉ đạo, quan tâm của lãnh đạo Bộ Công an, Ban giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân cùng sự nỗ lực không ngừng của tập thể các nhà nghiên cứu, nhiều thế hệ cán bộ sau 10 năm thành lập và đi vào hoạt động, Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và Điều tra tội phạm đã có những bước phát triển đáng ghi nhận về cơ cấu, tổ chức và thành tích trong việc thực hiện hai vụ chính là nghiên cứu và giảng dạy, trong đó nghiên cứu được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, điển hình như: đã tham gia biên tập và xuất bản 05 Bộ sách khoa học với trên 20 tập sách có giá trị của các nhà khoa học đầu ngành liên quan đến lĩnh vực pháp lý; phối hợp tổ chức và chủ trì trên 40 Hội thảo khoa học các cấp; tham gia nhiều đề tài khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ. Định kỳ hàng tháng xuất bản Tạp chí Chuyên đề thông tin Tội phạm học nay là Chuyên đề Thông tin tội phạm học và Khoa học hình sự, cho đến nay đã xuất bản 94 số với gần 2000 bài viết, là diễn đàn khoa học cho các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, học viên các trường Công an nhân dân và các cán bộ thực tiễn trao đổi các vấn đề liên quan đến lý luận tội phạm học và công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Hàng năm xuất bản sách nghiên cứu về tình hình tội phạm và phương hướng phòng ngừa; tham gia hướng dẫn khoa học cho hàng trăm học viên thuộc các hệ học, bậc học; tham gia các chương trình truyền thông về phòng chống tội phạm. Thời gian qua, Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và Điều tra tội phạm, đơn vị đã có những đóng góp đáng kể về mặt khoa học góp phần tuyên truyền, phổ biến, các nội dung liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết của ngành Công an về công tác bảo đảm an ninh trật tự; tập huấn, hướng dẫn các kỹ năng trong phòng, chống tội phạm cho các đối tượng khác nhau; tham mưu, đóng góp ý kiến cho các cơ quan Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an về các biện pháp phòng ngừa tội phạm. Bước đầu, Trung tâm là một trong những đầu mối của Học viện tích cực thực hiện hợp tác với các đơn vị nghiên cứu, thống kê trong và ngoài ngành Công an, các tổ chức quốc tế như Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC), Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp quốc (UNICEF), Tổ chức Plan của Hà Lan tại Việt Nam, Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (WCS)… trong việc tổ chức các hoạt động khoa học phục vụ cho công tác phòng ngừa tội phạm và góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo tại Học viện Cảnh sát nhân dân.

Trong thời gian tới, bám sát mục tiêu của Đề án phát triển Học viện Cảnh sát nhân trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm Quốc gia, đáp ứng yêu cầu về đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học của lực lượng Công an nhân dân, nhất là phát triển đội ngũ các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lý luận, đội ngũ giảng viên trong lực lượng Công an nhân dân, góp phần tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội đã đặt ra đòi hỏi cần phát triển Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và Điều tra tội phạm thành Viện Nghiên cứu tội phạm học và Điều tra tội phạm với bộ máy tổ chức, quy mô, phạm vi nghiên cứu được mở rộng hơn nữa. Đây là vấn đề hết sức cần thiết, phù hợp trong tình hình hiện nay.

Hơn nữa, việc xây dựng, phát triển Viện Nghiên cứu tội phạm học và Điều tra tội phạm là hoàn toàn phù hợp với xu thế chung trên thế giới. Ngay từ năm 1934, Hiệp hội Tội phạm học quốc tếđã được thành lập tại Italia với nhiệm vụ nghiên cứu nguyên nhân, điều kiện của tình hình tội phạm ở mức độ quốc tế; tổ chức các Hội nghị Tội phạm học quốc tế nhằm thảo luận, kiểm tra, công bố các tài liệu, số liệu nghiên cứu về Tội phạm học, đánh giá các vấn đề dưới góc độ tội phạm học; nghiên cứu vấn đề hợp tác quốc tế giữa các nước về phòng chống tội phạm dưới nhiều hình thức. Nhiều vấn đề quan trọng về việc nghiên cứu phát triển khoa học Tội phạm học cũng như vạch ra các phương hướng chiến lược về phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm nhằm tư vấn cho Hội đồng kinh tế xã hội của LHQ. Ở nhiều quốc gia phát triển công tác nghiên cứu tội phạm học cũng là vấn đề được chú trọng thể hiện qua việc xây dựng các Viện nghiên cứu Tội phạm học và phát triển các chuyên gia tội phạm học của quốc gia. Nói cách khác xuất phát từ vai trò thiết thực của tội phạm học, việc phát triển lý luận tội phạm học và xây dựng các cơ quan nghiên cứu tội phạm nhằm ứng dụng các kết quả nhiên cứu tội phạm học là xu thế chung được nhiều quốc gia quan tâm từ rất sớm.

Trong khi đó ở Việt Nam, Tội phạm học vẫn là một ngành khoa học khá non trẻ. Mặc dù có không ít các công trình nghiên cứuvề tội phạm học, tội phạm học được coi là một mã ngành đào tạo độc lập, song nhiều chuyên gia cho rằng nội dung nghiên cứu chưa thực sự mang tính hệ thống; việc nhận thức, sử dụng các thuật ngữ, khái niệm còn thiếu thống nhất; việc khai thác, ứng dụng các kết quả nghiên cứu còn mờ nhạt…[1]. Trong khi đó, tội phạm học có có phạm vi nghiên cứu khá rộng, có mối liên hệ với nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì vậy, việc nâng cao vị trí, tăng cường năng lực của Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và Điều tra tội phạm trở thành Viện Nghiên cứu tội phạm học với tư cách là một cơ quan nghiên cứu chuyên sâu về tội phạm học với quy mô đủ lớn, đáp ứng yêu cầu nghiên cứu khoa học phục vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

3. Để đạt được mục tiêu nâng tầm Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và Điều tra tội phạm trở thành Viện Nghiên cứu tội phạm học và Điều tra tội phạm phục vụ có hiệu quả công tác bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội của Công an nhân dân trong tình hình hiện nay cần đảm bảo một số nội dung sau:

Thứ nhất, cần có định hướng nghiên cứu rõ ràng, đẩy mạnh nghiên cứu chuyên sâu theo các nội dung của chuyên ngành tội phạm học, bám sát nhiệm vụ, yêu cầu của công tác phòng, chống tội phạm trong giai đoạn hiện nay.

Để các nội dung nghiên cứu đảm bảo tính hệ thống cần có những định hướng nghiên cứu theo những lộ trình cụ thể bao gồm các vấn đề nghiên cứu mang tính lý luận và các vấn đề có tính ứng dụng gắn liền với thực tiễn tình hình tội phạm hiện nay. Các hoạt động nghiên cứu của Viện cần bám sát các nhiệm vụ, kế hoạch của các Chương trình quốc gia và Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống tội phạm, các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, kế hoạch, chương trình hành động phòng chống tội phạm của Chính phủ, của Bộ Công an để cụ thể hóa thành các chương trình nghiên cứu, đào tạo sao cho sát hợp với thực tiễn. Trong đó, cần đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu chuyên sâu theo các chuyên ngành tội phạm học và điều tra tội phạm. Trên cơ sở làm rõ các vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến tình hình tội phạm, nguyên nhân, điều kiện của tình hình tội phạm, chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta và các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là những đặc điểm mới của các loại tội phạm trong tình hình hiện nay, góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách và hoàn thiện cơ sở pháp lý đấu tranh phòng chống tội phạm đưa ra các biện pháp phát hiện, xử lý, điều tra các loại tội phạm.

Thứ hai, đảm bảo cơ chế liên kết, phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành Công an đồng thời nâng cao chất lượng của hoạt động hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, trao đổi các nội dung khoa học có liên quan.

Trước hết, cần có cơ chế liên kết, hợp tác một cách chính thống, thường xuyên giữa Viện Nghiên cứu Tội phạm học với các đơn vị làm công tác thống kê về tình hình tội phạm, các đơn vị trực tiếp tham gia công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm ở các địa phương và các cục nghiệp vụ trong việc cung cấp, trao đổi thông tin, tài liệu, số liệu phục vụ cho việc nghiên cứu và đảm bảo tính ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn. Cần kết hợp hoạt động nghiên cứu của các nhà khoa học và ý kiến của đội ngũ cán bộ làm công tác thực tiễn dày dạn kinh nghiệm để các sản phẩm nghiên cứu có giá trị cả về lý luận và thực tiễn nhất là nghiên cứu tại các địa bàn, các tuyến trọng điểm về an ninh trật tự.

Thực tế đã khẳng định, Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và Điều tra tội phạm là một trong những đơn vị tham gia tích cực vào hoạt động hợp tác với các tổ chức quốc tế trong việc thực hiện, triển khai nghiên cứu các vấn đề liên quan đến phòng, chống tội phạm và nâng cao năng lực của các cơ quan thực thi pháp luật ở Việt Nam. Với quy mô của Viện Nghiên cứu tội phạm học và Điều tra tội phạm, hoạt động này cần được đẩy mạnh nhằm mở rộng hơn nữa nội dung, phạm vi nghiên cứu, hợp tác, hoàn thiện kỹ năng nghiên cứu, học hỏi phương pháp làm việc tích cực của đối tác nước ngoài đồng thời phát huy thế mạnh về đội ngũ cán bộ có khả năng ngoại ngữ, có trình độ của đơn vị.

Thứ ba, kiện toàn bộ máy tổ chức và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu

Để có thể đáp ứng nhu cầu nghiên cứu của Viện, công tác tổ chức và công tác cán bộ cần được đặc biệt chú trọng. Đây là nguồn nhân lực cơ bản, quyết định sự tồn tại và phát triển của một đơn vị nghiên cứu. Để có đội ngũ cán bộ có đủ năng lực nghiên cứu ở một cơ sở đào tạo lớn mỗi cán bộ cần có năng lực tư duy tốt, có khả năng giảng dạy, nghiên cứu, biết khai thác và sử dụng các phương tiện, thiết bị công nghệ thông tin, am hiểu chuyên môn, nghiệp vụ cảnh sát và có tác phong làm việc khoa học.

Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm hiện có thế mạnh là có đội ngũ cán bộ được đào tạo cơ bản theo những chuyên ngành phù hợp với yêu cầu của công tác nghiên cứu, giảng dạy. Nhiều cán bộ có khả năng ngoại ngữ tốt. Thời gian tới cần phát huy thế mạnh này nhằm chủ động tiếp cận các tài liệu nước ngoài và đẩy mạnh hợp tác trong nghiên cứu.

Để đảm bảo việc nghiên cứu chuyên sâu, sau khi thành lập Viện cần được biên chế thành các phòng nghiên cứu độc lập về tội phạm học và điều tra tội phạm, trong đó có các tổ nghiên cứu chuyên đề cụ thể.

Thứ tư, cầngắn kết hơn nữa giữa công tác nghiên cứu tội phạm học, điều tra tội phạm và công tác giảng dạy, tập huấn theo chức năng của Viện nghiên cứu Tội phạm học và điều tra tội phạm

Với vai trò là một cơ sở nghiên cứu lớn thuộc cơ sở giáo dục trọng điểm của quốc gia việc gắn kết giữa công tác nghiên cứu tội phạm học, điều tra tội phạm và công tác giảng dạy, tập huấn góp phần gắn kết giữa lý luận và thực tiễn, hoạt động giảng dạy có thể vận dụng, khai thác tối đa các kết quả nghiên cứu đồng thời từ giảng dạy có thể mở rộng phạm vi nghiên cứu, bám sát với nhu cầu đào tạo góp phần nâng cao chất lượng của công tác nghiên cứu lý luận. Để làm được điều này cần phát huy thế mạnh của đội ngũ chuyên gia, cán bộ của Viện trong việc nâng cao chất lượng của các môn học, chuyên đề giảng dạy, nội dung tập huấn; tích cực vận dụng các phương pháp giảng dạy tích cực, đưa các kết quả nghiên cứu mới, tri thức tội phạm học tiến bộ của các nước vào nội dung môn học.

Ngoài ra, cần nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền tạo mọi điều kiện thuận lợi, chế độ chính sách thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực khoa học, kỹ thuật phục vụ nhiệm vụ nghiên cứu lý luận và thực tiễn về phòng, chống tội phạm; nhất là khuyến khích, động viên các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, cán bộ thực tiễn trong lĩnh vực tội phạm học và điều tra tội phạm tham gia các hoạt động nghiên cứu, giáo dục, bồi dưỡng đáp ứng tốt hơn nữa chức năng giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng nâng cao của Viện Nghiên cứu tội phạm học cũng như Học viện Cảnh sát nói chung.

 

Đại tá, PGS.TS Trần Nguyên Quân Phó Viện trưởng Viện Khoa học Cảnh sát - Học viện CSND

Nguồn: Tạp chí CSND - Chuyên đề Tội phạm học và Khoa học hình sự số 8+9/2017


____________

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Văn Cảnh, Phạm Văn Tỉnh Giáo trình Tội phạm học, dùng cho hệ Sau đại học SĐH, Học viện CSND

2.http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Nghiencuutraodoi/Quan-diem-va-giai-phap-chien-luoc-phong-chong-toi-pham-thoi.aspx

3. Nguyễn Minh Đức, Lịch sử phát triển hoạt động hợp tác quốc tế về nghiên cứu tội phạm học và đấu tranh phòng, chống tội phạm

4. Nguyễn Văn Nhật, Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và Phòng ngừa tội phạm - quá trình xây dựng và phát triển, Tạp chí Cảnh sát nhân dân - Chuyên đề thông tin tội phạm học

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện Video

Thủ đoạn dùng app ngân hàng giả để lừa đảo

Thủ đoạn dùng app ngân hàng giả để lừa đảo

(ANTV) - Trong thời đại số hóa, thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng trở nên phổ biến vì theo tác đơn giản và thuận tiện. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của công nghệ, những thủ đoạn lừa đảo tinh vi cũng không ngừng gia tăng. Một trong những thủ đoạn mà các đối tượng thường xuyên sử dụng gần đây là cài đặt các dụng ứng dụng ngân hàng giả mạo để lừa đảo chuyển tiền.

Thư viện Ảnh

Mới nhất