Mục đích bài viết là cung cấp thông tin, đề xuất một số giải pháp trong việc đổi mới phương thức dạy-học bằng hình thức trực tuyến trên cơ sở phân tích xu thế và thực trạng học tập trực tuyến qua thiết bị di động trên thế giới và khu vực châu Á trong bối cảnh hội nhập và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với tác động mạnh mẽ của công nghệ số nhằm duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục nói chung và khắc phục thiên tai, đại dịch nói riêng làm ảnh hưởng đến giáo dục.
1. Xu thế và hiện trạng ứng dụng học tập trên thiết bị di động
Hai thập kỷ qua, thế giới đã chứng kiến sự gia tăng cả số lượng và chủng loại thiết bị hỗ trợ nền tảng học tập kỹ thuật số. Người ta phân loại ba lớp thiết bị cá nhân dùng rộng rãi là: điện thoại, máy tính bảng và máy tính bàn, mà đường ranh giới giữa chúng đã thay đổi, không còn giới hạn, trở thành công nghệ bỏ túi của cá nhân và do đó mở ra nhiều cơ hội cho giáo dục từ xa, trực tuyến vốn rất bị hạn chế trước đây.
Cùng những tiến bộ về phần cứng di động thì việc kết nối di động đã được cải thiện đáng kể và trở thành điều kiện tiên quyết để phát triển. Theo dữ liệu của ngân hàng thế giới (World Bank 2009) cho thấy ở các nước thu nhập thấp và trung bình, tỷ lệ tăng 10% thâm nhập băng thông rộng[1] làm tăng 1,38% tăng trưởng kinh tế. Liên minh viễn thông quốc tế đã ước tính có 1,2 tỷ thuê bao băng thông rộng di động trên toàn thế giới và cứ 1 người truy cập internet từ máy tính thì có 2 người truy cập từ thiết bị di động trong năm 2012. Do vậy, thiết bị di động trở nên rất phổ biến trong các cộng đồng và các cơ hội giáo dục thường ít xoay quanh phần cứng hơn so với giáo dục kết nối mạng internet trên thiết bị di động.
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO) cũng đã khuyến nghị các chính phủ hợp tác với ngành công nghiệp liên quan để xây dựng và tăng cường cơ sở hạ tầng công nghệ cung cấp thiết bị di động nhằm mở rộng học tập trực tuyến. Điều quan trọng là chính phủ cần tìm kiếm các chiến lược cung cấp quyền truy cập như nhau vào kết nối di động. Sinh viên không thể sử dụng mạng di động nếu bị từ chối chức năng truy cập vào khả năng học tập ấn tượng ngày càng tăng này, ngay cả khi họ sở hữu các thiết bị vật lý như vậy.
Ở một số khu vực hay châu lục việc sử dụng thiết bị di động cho học tập trực tuyến được nghiên cứu dựa trên kết quả quan sát như sau:
- Bắc bán cầu: Ngoài Mỹ và Canađa là các nước hậu công nghiệp phát triển, điện thoại di động được sử dụng khá rộng rãi ở châu Âu. Đến cuối năm 2011, tổng cộng có 741 triệu thuê bao di động được ước tính ở châu Âu cho thấy tỷ lệ thâm nhập là 119,5%. Tuy nhiên, dữ liệu tháng 5/2011 cho thấy điện thoại di động không được sử dụng rộng rãi như mong đợi trên khắp Châu Âu; tỷ lệ sử dụng smartphone cao nhất ở Thụy Điển là 75% và tỷ lệ thấp nhất ở Rumani và Bungari là 9%; mức trung bình giữa các nước trong khu vực Liên minh Châu Âu (EU) ở mức 34% và có tăng hàng năm. Điều này cho thấy việc học tập di động không nằm trong chính sách ưu tiên của các Bộ Giáo dục ở Châu Âu.
Tuy nhiên, ở Anh, Đan Mạch và Hà Lan các nhà hoạch định chính sách đã đưa ra một số sáng kiến để thúc đẩy học tập trên thiết bị di động. Anh là quốc gia năng động nhất châu Âu về lĩnh vực học tập di động từ năm 2000-2009. Chính phủ Anh đã khởi xướng các chương trình học tập di động cho giáo dục tiểu học, trung học và hợp tác với các công ty viễn thông để cung cấp công nghệ di động cho sinh viên đại học. Hà Lan không có chiến lược quốc gia về học tập trực tuyến trên thiết bị di động, nhưng họ có nhiều nỗ lực đầy hứa hẹn để phát triển học tập tập trực tuyến trong giáo dục tiểu học, trung học cơ sở và đại học.
Ngược lại, việc phổ biến và thâm nhập học tập trên thiết bị di động lại được phát triển ở Nga và Ukraine: Nga luôn là thị trường tuyệt vời cho các nhà sản xuất điện thoại di động và viễn thông. Hiện nay 90% dân số Nga sở hữu điện thoại di động, với tỷ lệ 51% người Nga thường xuyên dùng di động truy cập internet qua mạng, 43% dùng điện thoại thông minh và 6% dùng máy tính bảng. Tại Ukraine, mức độ thâm nhập di động đến ngày 30/6/2012 là 120,4% so với 118,5% vào ngày 31/3/2012.
Mặc dù tỷ lệ dân số Nga thường xuyên truy cập internet, nhưng việc học tập trên thiết bị di động ở Nga chưa được phát triển rộng rãi, mới chỉ có vài sáng kiến được xác định trong các lĩnh vực tư nhân và học thuật. Còn ở Ukraina thì có sáng kiến cho học sinh làm quen với việc học trên thiết bị di động trong các trường học. Nhà điều hành di động Mobile Tele Systems (MTS) hợp tác với Bộ Giáo dục, Bộ Tài chính và Bộ Thanh niên và Thể thao đã tạo ra một loạt bài học trên điện thoại di động, tập trung vào các phương tiện truyền thông hiện đại, điện thoại không dây[2].
- Nam bán cầu. Các nhà nghiên cứu quan sát sự phổ biến và thâm nhập thiết bị di động ở Châu Á-Thái bình dương cho thấy khu vực này là nơi có nhiều mâu thuẫn về khai thác các thiết bị di động khác nhau từ tỷ lệ thâm nhập cao như ở Nhật Bản, Trung Quốc và New Zealand đến tỷ lệ thấp như ở Myanmar. Khu vực này có 2,15 tỷ người dùng điện thoại di động năm 2012, tương đương 55% tổng số trên toàn cầu. Đến năm 2016, theo ước tính khu vực Châu Á-Thái bình dương chiếm 57,7% tổng số người dùng điện thoại di động, gấp mười lần thị phần Bắc Mỹ. Riêng Trung Quốc và Ấn Độ đóng góp nhiều nhất vào dân số dùng điện thoại di động, với lần lượt là 880 triệu và 470 triệu người dùng, các ước tính cho thấy việc sử dụng cơ sở hạ tầng di động trở thành nền tảng chính không chỉ cho nhà giáo dục mà còn cho nhà quảng cáo, chủ ngân hàng và nhà tiếp thị của khu vực này trong kỷ nguyên công nghệ số để tiến tới smartphone.[3]
Việc đánh giá các sáng kiến học tập trên thiết bị di động ở Châu Á-Thái bình dương cho thấy, có một loạt dự án học trên thiết bị di động đã diễn ra, bất chấp những mâu thuẫn hiện có khi sử dụng các thiết bị di động và smartphone để truy cập kho lưu trữ internet[4] nhằm mục tiêu nâng cao trình độ giáo dục, xóa mù chữ. Nhật Bản, Bangladesh và Hàn Quốc cũng đã triển khai các dự án học tập di động quy mô lớn quốc gia với chính sách tạo điều kiện sử dụng thiết bị di động trong giáo dục. Một số quốc gia có cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin mạnh và thị trường di động trưởng thành với sự thâm nhập cao của các dự án học tập điện thoại di động đã và đang thúc đẩy môi trường học tập trong tương lai thông qua các sáng kiến học tập di động sáng tạo như Trường học thông minh ở Malaysia, FutureSchools@Singapore tại Singapore và Chiến lược xúc tiến giáo dục thông minh ở Hàn Quốc tạo ra việc tích hợp các thiết bị di động vào môi trường học đường hàng ngày nhằm chuẩn bị cho học sinh, sinh viên môi trường học tập trong tương lai.
Tuy nhiên, việc đưa chương trình giáo dục chuyên sâu ở tiểu học hoặc trung học lại là hạn chế cho việc áp dụng học tập trên thiết bị di động khi mà học sinh và giáo viên cảm thấy áp lực phải đáp ứng chuẩn chương trình, không có thời gian thử nghiệm các kịch bản giáo dục khác…trong khi các chính phủ chưa có hướng dẫn và chính sách rõ ràng về sử dụng điện thoại di động trong môi trường học đường.
2. Vấn đề đặt ra khi áp dụng, sử dụng thiết bị di động trong học tập
Xem xét hiện trạng học tập trên thiết bị di động trên toàn cầu, có thể nhấn mạnh một số vấn đề sau:
Sự phổ biến nhanh chóng thiết bị di động (kể cả smartphone) là hiện tượng thường thấy. Từ các khu vực nông thôn hẻo lánh của Nepal và Mông Cổ đến những nơi đông đúc nhất của Trung Quốc và New York, số lượng thuê bao di động đang tăng lên không ngừng[5]. Việc truy cập vào thiết bị di động vượt trội hơn đáng kể so với truy cập máy tính xách tay do chi phí điện thoại di động thấp. Mặc dù môi trường đầy thách thức mới cho việc học tập trên thiết bị di động trên thế giới cũng được hỗ trợ bởi việc mở rộng công nghệ 3G hoặc 4G, nhưng tỷ lệ chấp nhận học tập trên thiết bị di động phát triển với tốc độ không như nhau ở các quốc gia. Nguyên nhân có thể được chia ra thành 5 loại lý do sau đây:
2.1. Chính sách giáo dục không đầy đủ để triển khai ứng dụng học tập trên thiết bị di động. Mặc dù có sẵn có các sáng kiến học tập trên thiết bị di động trên toàn cầu, (có sự khác biệt về phạm vi, mức độ phức tạp và chi phí thực hiện) việc hình thức học tập này mới đang dần được chính phủ các cấp, các tổ chức giáo dục, ngành công nghiệp và các bên liên quan khác chú ý và có thể vì còn đang thiếu chính sách giáo dục cấp quốc gia, trong đó cần đưa khuôn khổ việc sử dụng thiết bị di động phù hợp như một phần của quá trình giáo dục hàng ngày.
2.2. Vấn đề sức khỏe và tâm lý của đối tượng áp dụng học tập trên thiết bị di động. Ở tất cả các khu vực được xem xét, ý nghĩa tích cực của việc học trên thiết bị di động đã được thừa nhận rộng rãi. Mặc dù vậy, các vấn đề về khả năng truy cập cũng phát sinh đối với nhiều thiết bị di động vì chúng không thể được sử dụng bởi những người ở các độ tuổi khác nhau hoặc khuyết tật khác nhau. Các chính phủ còn thiếu các chính sách giáo dục để giải quyết cụ thể các vấn đề trên. Trong hầu hết tất cả các khu vực được xem xét, các nhà nghiên cứu phát hiện một số hội đồng trường, hiệu trưởng, giáo viên và phụ huynh báo cáo về việc lạm dụng điện thoại di động trong lớp liên quan đến sự mất tập trung của học sinh trên lớp, vấn đề an ninh, tiếp xúc của học sinh với các môi trường có chứa tài liệu không phù hợp, với các hành vi bạo lực, tình dục hoặc sex, hành vi gian lận tiềm ẩn trong kỳ thi ở trường…
2.3. Những hạn chế về phát triển kinh tế- xã hội và công nghệ: do chi phí triển khai các sáng kiến di động, đặc biệt là các thực tiễn giáo dục mở ở mức cao nên làm hạn chế việc áp dụng học tập di động; do có thu nhập thấp, hoặc xuất phát từ nguồn gốc xã hội khác nhau[6] nên chưa bảo đảm được tính công bằng trong khả năng tiếp cận của sinh viên truy cập điện thoại di động hiện đại như smartphone. Ngoài ra, còn có hạn chế theo định hướng công nghệ trong phạm vi phủ sóng bởi các mạng 3G hoặc 4G. Hơn nữa, việc sẵn có của một số lượng lớn các chuẩn và hệ điều hành, ngôn ngữ lập trình, định dạng âm thanh, video, kích thước và độ phân giải màn hình ở các khu vực cũng khác nhau nên cũng là nhược điểm cho việc học tập trên thiết bị di động.
2.4. Thiếu nguồn nhân lực chuyên môn để triển khai được đồng bộ. Khi việc học trên thiết bị di động còn ở giai đoạn sơ khai, các kế hoạch giáo dục cụ thể hoặc hướng dẫn cho cả giáo viên và học sinh cách sử dụng thiết bị cá nhân của họ cho mục đích giáo dục là rất hiếm. Hơn nữa, ở các nước phát triển như Canada, Mỹ, Nga để triển khai kết hợp nội dung học tập hiện tại trong nhà trường với các sáng kiến học tập di động để nâng cao chất lượng giáo dục thì còn thiếu nguồn lực để đào tạo và hỗ trợ giáo viên, học viên nên họ không muốn áp dụng phương pháp dạy và học đổi mới này.
2.5. Các yếu tố ảnh hưởng đến tính bền vững liên quan của thiết bị học tập di động như: tuổi thọ pin, khả năng sử dụng giao diện, bộ nhớ thiết bị, phần cứng hoặc kích thước màn hình, bàn phím nhỏ khó đánh máy và các vấn đề bảo mật, cũng được liệt kê trong số các nguyên nhân hạn chế phổ biến nhất cho học tập trên thiết bị di động.
3. Vấn đề đặt ra đối với việc đổi mới phương thức dạy- học sử dụng điện thoại di động cho học tập trực tuyến ở Việt Nam
Xét vào bối cảnh Việt Nam hiện nay, có gần 100 triệu dân và hơn 20 triệu học sinh, sinh viên cùng khoảng 2 triệu nhà giáo các cấp học với tốc độ phổ biến và thâm nhập thiết bị di động cũng tăng rất nhanh trong những năm qua. Việc học tập trên thiết bị di động là vô cùng quan trọng và thật sự cần thiết trong thời đại công nghệ số cũng như khắc phục được những khó khăn từ đại dịch Covid-19 hay thiên tai gây ra. Để có được những giải pháp hữu hiệu, tận dụng được các nguồn lực xã hội thì rất cần phải có chính sách vĩ mô cho áp dụng thiết bị di động vào mục đích học tập.
Theo một điều tra gần đây, trung bình người dùng thiết bị di động chỉ dành khoảng 3% thời gian trong ngày cho lấy thông tin hay học tập, thời gian còn lại là để giải trí trên mạng. Đây là một sự lãng phí quá lớn của xã hội nếu các cơ quan chức năng của Chính phủ chịu trách nhiệm về giáo dục chưa đưa ra các nghiên cứu và giải pháp thích hợp.
Đại dịch Covid-19 ở Việt Nam và trên thế giới hiện nay đã làm bộc lộ nhiều khoảng trống về chính sách điều hành của lĩnh vực giáo dục. Việc Thủ tướng Chính phủ ủng hộ kiến nghị của Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Việt Nam và chỉ đạo ngành giáo dục nhanh chóng đưa hình thức dạy-học trực tuyến đại trà trên các hệ thống truyền hình toàn quốc và khuyến khích các bên liên quan triển khai nghiên cứu các giải pháp chuyên môn, kỹ thuật đồng bộ để hỗ trợ bảo đảm chất lượng giáo dục trực tuyến là rất kịp thời và cấp thiết.
Tuy nhiên, nhằm tạo được sự đồng bộ, nhất quán thì việc đề ra chính sách cho dạy học trực tuyến trên các thiết bị di động, các hình thức dạy và học từ xa…cần phải có nghiên cứu sâu, đánh giá từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới, đặc biệt là những nước trong khu vực để chọn lựa phương thức học tập phù hợp với thực tiễn giáo dục của Việt Nam, xa hơn nữa là phù hợp với vùng, miền và các đối tượng học tập, bảo đảm sự công bằng trong tiếp cận giáo dục.
Đổi mới mạnh mẽ các phương thức dạy và học kết hợp với việc ứng dụng công nghệ hiện đại, khai thác các nguồn tài nguyên giáo dục phong phú trong nước và trên thế giới sẽ góp phần hoàn thiện nền giáo dục theo hướng mở đã được đề cập trong Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo./.
Nguồn tài liệu:
- Global Mobile Learning Implementations and Trend Edited by Avgoustos Tsinakos and Mohamed Ally _ China Central Radio & TV University Press, Ts. Mai Văn Tỉnh sưu tầm và dịch thuật 20/02/2020
- Công văn số 04/HH-VP ngày 20/2/2020 Hiệp hội các trường ĐH, CĐ kiến nghị Thủ tướng cho triển khai dạy và học đại trà trực tuyến qua truyền hình trên toàn quốc. Đây là giải pháp kỹ thuật kịp thời để triển khai dạy-học trực tuyến, những từ lâu vấn đề nan giải, kém hiệu quả vẫn là thiếu phương thức xử lý thông tin ngược từ người học tới người dạy.
[1]Băng thông rộng thường được hiểu là kết nối đường dây cố định của người dùng (phụ thuộc nhiều vào hạ tầng cố định), ngày nay nhiều người tận dụng lợi thế băng thông rộng để kết nối với thiết bị không dây.
[2]Theo TS. Volobuyev, Trưởng khoa Học viện Donetsk, phương thức đào tạo này sẽ được triển khai trong tương lai để đáp ứng nhu cầu đào tạo giáo viên và hỗ trợ các giáo sư Ukraina dưới hình thức giáo dục từ xa hay di động hoặc sử dụng các cơ hội tự đào tạo.
[3]Theo nghiên cứu năm 2012 của nhóm GfK ở châu Á cho thấy nhu cầu về smartphone ở Singapore, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Philippines và Campuchia đã tăng đột biến trong khoảng từ 40% đến 400% so với cùng kỳ năm trước (GfK, 2012).
[4]ở Úc và New Zealand sử dụng rộng rãi các thiết bị di động và smartphone để truy cập kho lưu trữ internet lên tới 40% hoặc ở Indonesia là 62%, tỷ lệ thấp hơn là ở Nepal.
[5]Theo nghiên cứu của Portio, năm 2012 ước tính rằng ... cơ sở thuê bao di động trên toàn thế giới dự kiến đạt 6,5 tỷ vào cuối 2012, đưa tỷ lệ thâm nhập di động toàn cầu lên khoảng 91% .
[6]các khu vực nghèo ở châu Phi, hay Afghanistan, Bhutan và Nepal;các khu vực giàu có hơn như New Zealand và Hoa Kỳ.